Mùi của trầm hương

Trầm hương từ lâu đã được coi là một trong những loại hương liệu quý giá nhất, không chỉ bởi giá trị kinh tế mà còn bởi mùi hương đặc trưng, mang lại cảm giác thư thái, thanh tịnh. Mùi trầm hương rất đa dạng, tùy thuộc vào loại trầm, nguồn gốc và cách chế biến. Bài viết này sẽ giúp bạn hiểu rõ hơn về mùi của trầm hương, sự khác nhau giữa các loại trầm và mùi hương của các sản phẩm từ trầm.

Mùi hương đặc trưng của trầm

Về cơ bản mùi trầm hương có thể được miêu tả như một sự kết hợp giữa ngọt ấm hoặc đắng nhẹ, khói gỗ và hương thảo mộc, tạo nên một trải nghiệm khứu giác độc đáo.

Mùi hương của trầm được tạo ra từ tinh dầu tích tụ trong gỗ do quá trình cây dó bầu (Aquilaria) bị nhiễm nấm hoặc tổn thương tự nhiên. Mùi trầm có thể thay đổi tùy theo các yếu tố: Tuổi trầm - trầm càng già, mùi càng đậm và sâu; Khí hậu & thổ nhưỡng; Cách khai thác và chế biến, trầm tự nhiên có mùi khác với trầm nhân tạo.

Theo các sách cổ từ thời nhà Nguyễn: Trong trầm tổng hợp tới 170 mùi hương khá nhau, và chỉ những người đủ tinh tế mới có thể phân biệt được từng nốt hương. Khi xông đốt trầm trong ngày có thể cạm nhận được 8 đợt phát hương, mỗi đợt có mùi chủ đạo cùng nét đặc trưng riêng. Trầm có hương thơm đặc biệt mà không loại hương liệu hay thảo mộc nào có thể bắt chước được.

Ngoài ra, nhờ khả năng lưu hương lâu mà trầm được sử dụng làm chất định hương, giúp nước hoa thành phẩm thơm lâu và bên hơn. Đây chính là nguyên nhân tinh dầu trầm được các nước có ngành công nghiệp nước hoa phát triển săn lùng với giá cao.

Mùi của trầm hương

Sự khác biệt về mùi hương của các loại trầm

Trầm hương có nhiều loại, mỗi loại mang một mùi hương riêng biệt. Dưới đây là một số loại trầm phổ biến và đặc điểm mùi của chúng:

- Trầm tự nhiên (trầm rừng): Mùi hương nhẹ nhàng, sâu lắng, vị ngọt ấm. Khi ngửi hương trầm qua mũi  có cảm giác vẫn thanh đọng nơi cuống  họng và được lưu giữ khá lâu.

- Trầm nhân tạo (trầm nuôi cấy): Do được tạo trong thời gian ngắn nên lượng tinh dầu không nhiều, chưa đủ đậm. Khi đốt cho mùi thơm nồng, ít vị ngọt, khả năng lưu hương không bằng trầm tự nhiên. Tuy nhiên, nếu trồng lâu năm thì chất lượng sẽ được cải thiện.

- Trầm ép: Được tạo thành từ quá trình ép dầu trầm vào bên trong phôi gỗ dó bầu. Sản phẩm có mùi đậm, nồng mạnh, nhưng giảm dần theo thời gian. Nếu dùng đúng dầu trầm và có công nghệ hiện đại (ép thủy lực), thực hiện đúng phương pháp thì có khả năng giữ hương lên tới hàng chục năm. 

Ngoài ra, sự khác biệt về mùi của trầm hương cũng theo quốc gia, do sự khác nhau về vị trí địa lý, từ đó dẫn tới sự khá biệt về điều kiện thổ nhưỡng và khí hậu. Đơn cử, trầm Việt Nam có mùi hương thanh dịu, ngọt nhẹ, trong khi của Indonesia, Malaysia thường có vị hơi hăng, cay nhẹ (chi tiết chúng ta sẽ cùng chia sẻ trong 1 bài viết khác).

Mùi của trầm hương

Sự khác biệt trong mùi hương của các sản phẩm từ trầm

Từ trầm hương, người ta chế tác ra nhiều sản phẩm khác nhau, mỗi loại lại có hương thơm đặc trưng.

Trầm nguyên liệu: Còn được gọi là Giác Trầm, Trầm Miếng, Trầm Sánh… khai thác trực tiếp từ cây dó bầu, chỉ loại bỏ phần gỗ trắng bên ngoài, giữ lại phần có chứa tinh dầu. Loại này thường rất ít mùi thơm, chỉ một số có thể nhận biết ngay từ bên ngoài (tùy theo vùng hay độ tuổi) nhưng rất ít. Khi đốt mới thấy tinh dầu tỏa ra và phảng phất theo làn khói. Mùi hương phụ thuộc vào các yếu tố đã nêu trên.

- Nhang trầm hương: Cho mùi thơm ấm, khói nhẹ nhàng, giúp thư giãn tinh thần. Nhang trầm chất lượng cao thường được làm từ trầm tự nhiên, khi đốt tỏa khói trắng mỏng, mùi lưu lại lâu. Tuy nhiên, do giá thành cao nên nhang thường được làm từ bột trầm phối cùng keo của cây bời lời. Keo có mùi khét, ảnh hưởng tới mùi hương. Do đó, chất lượng nhang sẽ phụ thuộc vào loại bột trầm sử dụng cũng như tỉ lệ keo trộn. Nếu dùng bột trầm cao cấp và tỉ lệ cao thì sản phẩm vẫn cho mùi hương ngọt cũng như hạn chế được rất nhiều mùi khét của gỗ. 

- Tinh dầu trầm hương: Khối trầm sau tách gỗ được ngâm một thời gian, lúc đầu có mùi khá khó chịu. Sau đó, đem hỗn hợp này đi chưng cất để chiết xuất tinh dầu. Tùy thuộc nguyên liệu đầu vào và công nghệ tách chiết sẽ quyết định tới mùi hương cuối cùng. Tinh dầu trầm chất lượng cao rất thơm mà không lẫn mùi khó chịu. Xa xưa, loại tinh dầu này thường được dùng trong các lễ nghi tôn giáo, được ví như mùi hương của tâm linh. Ngay nay, loại “nước hoa” nguyên chất và cao cấp này được sử dụng trong liệu pháp mùi hương (aromatherapy), thường được pha loãng để massage.

Mùi của trầm hương

Nhận biết trầm thật và giả qua mùi hương

Trầm hương có rất nhiều công dụng trong đời sống: Giúp tịnh tâm, thư giãn, dùng trong thiền định, cúng lễ;  Xua đuổi tà khí, mang lại may mắn; Hỗ trợ giảm căng thẳng, an thần, tốt cho hệ hô hấp.

Trầm hương thật:  Có mùi thơm đặc trưng, thoang thoảng, dễ chịu, ấm áp, ngọt dịu, có thể có chút cay nhẹ; Khi đốt, hương thơm lan tỏa chậm rãi, lưu giữ khá lâu trong không gian, không có mùi hóa chất, hương liệu nhân tạo hay mùi khét.

Trầm hương giả: Thường rất nồng, xộc thẳng vào mũi, có thể gây cảm giác khó chịu, thậm chí là đau đầu; Không có các lớp hương tinh tế; Hương phai nhanh; Có thể ngửi thấy mùi hóa chất, hoặc khét.

Để nhận biết trầm hương thật – giả thì kinh nghiệm là yếu tố then chốt. Sự tiếp xúc thường xuyên với trầm hương sẽ đem lại những trải nghiệm quý báu. Ngoài đánh giá qua mùi hương thì cần kết hợp với các yếu tố khác như: Hình dáng, màu sắc, vân gỗ, độ nặng và giá thành. Nên đốt thử khi mua và lựa chọn những nhà cung cấp, cửa hàng uy tín, có nguồn gốc rõ ràng. 

Mùi trầm hương là một trải nghiệm độc đáo, tùy thuộc vào loại trầm và cách chế biến. Trầm tự nhiên có mùi đậm đà, quý phái, trong khi trầm nuôi cấy nhẹ nhàng hơn. Các sản phẩm từ trầm như nhang, tinh dầu, vòng tay đều mang lại những hương thơm khác nhau, phù hợp với nhiều mục đích sử dụng. Hiểu rõ mùi trầm hương sẽ giúp bạn chọn được sản phẩm chất lượng và tận hưởng trọn vẹn giá trị của loại hương liệu quý giá này. Hy vọng những thông tin này sẽ giúp bạn phần nào trong việc nhận biết trầm hương và lựa chọn được sản phẩm ưng ý!

Bình luận/hỏi đáp

Lưu ý: Thông tin của bạn sẽ được bảo mật.

Loading...